8 BƯỚC VỆ SINH XE DỄ DÀNG
Vệ sinh xe không chỉ đơn thuần là xả nước rửa xe hay dùng giẻ để lau sạch bụi bẩn bám trên xe. Việc sử dụng các sản phẩm phù hợp và phương pháp vệ sinh xe đúng cách sẽ giúp cho xe được giữ sạch và bảo vệ trong thời gian lâu hơn, đem đến vẻ ngoài sáng bóng và giữ cho xe luôn như mới.
Khi vệ sinh xe, việc thực hiện đúng theo từng bước hướng dẫn là rất quan trọng. Khi làm đúng theo các bước, bạn sẽ đảm bảo giảm thiểu việc làm xước bề mặt sơn, không xuất hiện những vết vần vện xoáy hoặc làm hỏng lớp bóng bảo vệ bên ngoài sơn xe.
d
1. Chọn thời điểm thích hợp nhất để rửa xe.
Thời tiết ở Việt Nam, tầm 10h sáng đến 3h chiều thường rất nắng và nóng. Bạn nên tránh rửa xe ngoài trời vào thời điểm này, thay vào đó nên chọn thời điểm khi trời mát, có mây. Nếu bạn rửa xe dưới ánh nắng trực tiếp, sức nóng sẽ làm khô xà phòng và nước trong khoảng thời gian giữa 2 bước rửa xe và lau khô, kết quả là sẽ để lại các vệt ố trên bề mặt sơn. Sức nóng từ ánh mặt trời cũng gây ảnh hưởng đến hiệu quả của các sản phẩm bạn sử dụng.
2. Làm sạch xe
Đầu tiên, bạn cần rửa trôi cát và bụi bẩn bám trên xe trước khi sử dụng xà phòng và găng tay rửa xe. Bước này bạn nên sử dụng ống nước mềm, hoặc lý tưởng nhất là vòi phun áp lực như máy Karcher. Khi đó phần lớn bụi bẩn/ cát sẽ được rửa trôi khỏi thân xe.
Đầu phun bọt tuyết sẽ cho phép chúng ta phun một lớp bọt xà phòng dày lên bề mặt xe, giúp làm mềm các bụi bẩn và mảng bám. Sau đó, chúng ta để cho lớp bọt phát huy tác dụng trong vài phút và dùng vòi phun áp lực để rửa sạch. Luôn rửa theo hướng từ trên xuống.
Trước khi vệ sinh bề mặt sơn, chúng ta cần vệ sinh phần bánh xe trước – bởi vì nếu công đoạn vệ sinh bánh xe được thực hiện sau, bụi bẩn và bụi phanh có thể bị thổi bay lên bám vào bề mặt sơn. Bạn có thể sử dụng sản phẩm vệ sinh bánh xe an toàn hoặc sản phẩm tẩy bụi sắt Iron Remover để lấy đi bụi bẩm bám đọng trên bánh xe. Bạn chỉ cần phun sản phẩm lên bề mặt bánh xe, chải đều bằng bàn chải chuyên dụng dành riêng cho bánh xe, sau vài phút dùng vòi nước hoặc vòi phun áp lực để rửa sạch.
Các vết bẩn cứng đầu như xác côn trùng hay vết nhựa đường có thể được loại bỏ bằng các sản phẩm mạnh hơn, được thiết kế dành riêng cho việc tẩy các vết ố trên xe.
3. Xà phòng và găng tay
Sau bước đầu tiên là loại bỏ bụi bẩn và các mảng bám, bạn cần thực hiện công đoạn rửa xe bằng tay sử dụng phương pháp 2 chiếc xô và găng tay chuyên dụng.
Chuẩn bị 2 chiếc xô, 1 xô nước pha xà phòng và 1 xô nước sạch, chúng tôi khuyến khích bạn nên trang bị vỉ nhựa chặn cát bụi, đảm bảo các chất bẩn được giữ lại ở dưới đáy xô, tránh dính ngược trở lại vào găng tay. Bạn nên vệ sinh từng khu vực một, bắt đầu từ phía trên di chuyển dần xuống dưới, găng tay nên di chuyển theo hướng cố định (chà qua lại, lên xuống – tuyệt đối không di chuyển theo vòng tròn)
4. Làm khô xe một cách an toàn
Bạn nên sử dụng khăn vi sợi dành riêng cho việc lau khô xe để giảm thiểu việc làm xước bề mặt sơn. Bạn không nên bỏ qua bước lau khô xe, vì nếu để nước tự khô, các vết ố nước sẽ xuất hiện. Nguyên nhân vì trong nước có chứa các thành phần khoáng chất, khi nước bốc hơi, các khoáng chất này sẽ còn đọng lại trên bề mặt sơn tạo thành các vết ố. Bạn có thể thấy các vết ố màu trắng như trong hình dưới đây. Các vết ố nước có thể để lại hậu quả vĩnh viễn cho bề mặt sơn, vì nếu các vết này bị đọng lại trên bề mặt sơn quá lâu, chúng sẽ ăn sâu vào bề mặt sơn.
Chúng tôi khuyến khích sử dụng một tấm khăn lau cỡ lớn với khả năng thấm hút cao, giúp thấm khô nước một cách dễ dàng và không để lại các vệt sọc trên bề mặt sơn. Đảm bảo loại khăn bạn sử dụng không chứa xơ sợi, vì các sợi này có thể bị rơi ra và sót lại trên bề mặt sơn.
Nếu bạn có máy nén hơi, bạn nên sử dụng máy để thổi khô nước trong các khe rãnh, gương, tay nắm cửa để đảm bảo 100% nước được lấy đi khỏi bề mặt xe.
5. Vệ sinh cửa sổ
Sau khi đã vệ sinh bề mặt sơn và bánh xe, bước tiếp theo là vệ sinh kính cửa nội và ngoại thất.
Bạn nên lựa chọn sản phẩm chuyên dụng để vệ sinh kính cửa, đảm bảo sau khi vệ sinh không để lại các vệt sọc trên bề mặt kính. Một lần nữa, chúng tôi khuyên bạn không nên sử dụng các sản phẩm vệ sinh dùng trong nhà, mà nên dùng các sản phẩm chuyên dụng dành riêng cho kính xe.
Bạn sẽ dùng một tấm khăn sạch không chứa xơ sợi để thoa dung dịch vệ sinh kính, và dùng một tấm khăn sạch khác để lau khô. Bạn không nên cho dung dịch trực tiếp lên kính, mà nên cho lên khăn rồi thoa lên kính.
Bạn cũng nên hạ kính xuống một chút để vệ sinh được cả phần kính bị viền cao su che khuất. Sau khi các kính cửa đã được vệ sinh, chúng ta lặp lại các bước tương tự cho gương xe.
6. Dưỡng bóng các chi tiết nhựa ngoại thất
Nhiều chiếc xe sử dụng cản nhựa màu đen và viền nhựa cho các chi tiết ngoại thất. Ở Việt Nam, các chi tiết này rất nhanh xỉn màu do tác hại của tia UV trong ánh mặt trời. Vì vậy, việc chăm sóc các chi tiết này là rất quan trọng.
Bạn nên sử dụng sản phẩm dành riêng cho các chi tiết viền nhựa, giúp giữ được màu đen bóng và tránh bị xỉn màu. Công đoạn này được chúng tôi khuyến khích thực hiện mỗi tháng 1 lần, bạn không nhất thiết phải dưỡng bóng các chi tiết nhựa sau mỗi lần rửa xe.
7. Vệ sinh nội thất
Rất nhiều khách hàng thường bỏ qua khâu vệ sinh nội thất. Tuy nhiên, chỉ với việc vệ sinh đơn giản, bạn có thể giữ cho bên trong xe luôn sạch sẽ và loại trừ vi khuẩn.
Đầu tiên, sử dụng máy hút bụi để lấy đi bụi bẩn, đất cát bám nhẹ trên ghế và sàn xe. Đừng quên vị trí bên hông các ghế vì bụi bẩn rất thường xuyên đóng ở đây.
Bạn cũng nên trượt ghế lên xuống để vệ sinh bụi bẩn bám trên thanh trượt.
Đồng thời, bạn không nên bỏ qua cốp xe. Đầu tiên bạn gỡ các tấm lót trong cốp xe và giũ sạch bụi bẩn. Sau đó dùng máy hút bụi để lấy đi đất cát, bụi bẩn trong từng ngóc ngách.
Sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng dành cho nội thất để lau sạch bề mặt ghế và bảng điều khiển để lấy đi các vết bám cứng đầu trên bề mặt. Bạn có thể xịt dung dịch trực tiếp lên ghế và dùng khăn vi sợi để lau khô.
Bạn nên đảm bảo sử dụng sản phẩm thích hợp cho từng chất liệu, bao gồm sản phẩm sử dụng cho các chi tiết bằng vải và sản phẩm sử dụng cho các chi tiết bằng da. Các sản phẩm này được thiết kế giúp lấy đi bụi bẩn bám trên bề mặt một cách an toàn và hiệu quả.
8. Vệ sinh khoang động cơ
Việc giữ vệ sinh cho khoang động cơ đem lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên khâu này cũng thường xuyên bị bỏ qua. Khi khoang động cơ được làm sạch bụi bẩn, tuổi thọ của động cơ sẽ được tăng thêm, đồng thời giảm thiểu tình trạng các bộ phận bị hỏng hóc. Xe sẽ trở nên an toàn hơn do các lỗi cơ học được giảm thiểu.
Không thực hiện chăm sóc khi khoang động cơ còn nóng – luôn chờ cho khoang động cơ nguội hẳn trước khi làm vệ sinh. Bọc giấy nhôm cho tất cả các bộ phận cần được bảo vệ, đảm bảo các khi tiết được bọc cẩn thận, vì một số bộ phận có thể bị hỏng khi bị nước vào. Không bao giờ sử dụng vòi phun áp lực để vệ sinh khoang động cơ vì có thể gây tổn hại đến các bộ phận và việc sửa chữa sẽ rất tốn kém!
Khoang động cơ cần được vệ sinh một cách cẩn thận và nhẹ nhàng, chúng tôi khuyến khích bạn nên tham khảo bài viết ‘Làm thế nào để vệ sinh khoang động cơ một cách an toàn’ sẽ được đăng trong tuần tới. Bạn nên thực hiện theo các bước hướng dẫn một cách chính xác, tránh gây tổn hại đến các bộ phận quan trọng cũng như hệ thống điện trong khoang động cơ.
Tác giả: Ed Bews